Báo cáo phân tích xu hướng tăng trưởng nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm của Công ty chứng khoán SSI đưa ra dự báo: “Giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam tăng ở mức 9%-10% trong năm 2020. Theo đó, ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng do xu hướng dân số già hóa, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe gia tăng và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cũng như tuổi thọ trung bình tăng lên.”
Phân hóa rõ nét
Quan sát diễn biến của thị trường chứng khoán trong năm 2019, mức vốn hóa thị trường của nhóm cổ phiếu ngành dược đã tăng 4% trong và thấp hơn so với mức tăng 7,7% của VN-Index. Theo nhóm phân tích, đây là kết quả của sự phân hóa rõ nét trong diễn biến giá cổ phiếu của các công ty dược niêm yết, khi mà Dược Hậu Giang (DHG) tăng 18%, CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD) tăng 40% và Dược phẩm Hà Tây (DHT) tăng 34% vượt xa mức tăng của VN-Index thì các mã Dược Việt Nam (DVN) lại giảm 34%, Pymepharco (PME) và Traphaco (TRA) giảm 10%, Imexpharm (IMP) giảm 18% trong cả năm.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngành sẽ đặt mục tiêu nâng mức tiêu thụ thuốc nội địa lên 22% tại các bệnh viện trung ương và lên 50%-75% tại các bệnh viện và các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện của năm 2020. Hiện thuốc biệt dược gốc cũng đã chiếm khoảng 50% tổng giá trị chào thầu trong năm 2019.
Bên cạnh đó, quy định đấu thầu công khai đối với thuốc là một lợi thế đối với các công ty sản xuất thuốc ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng sản xuất để có thể cạnh tranh với các sản phẩm tương đương nhập khẩu từ nước ngoài. Cùng việc thúc đẩy các công ty cung cấp dược phẩm trong nước, chính sách này cũng khuyến khích các công ty gia công thuốc nước ngoài, từ đó tiếp nhận chuyển giao công nghệ quốc tế vào chuỗi sản xuất tại Việt Nam.
Báo cáo từ ngành dược, tính đến ngày 30/11/2019, số lượng dây chuyền sản xuất, nhà máy có tiêu chuẩn chất lượng sản xuất (EU-GMP/Nhật Bản-GMP hoặc PIC/s) đạt 19 trong số 203 nhà máy dược phẩm thuộc 170 công ty sản xuất dược trong nước và các công ty đa quốc gia.
Trên thị trường chứng khoán, mã DHG đã có chứng nhận cho cả 2 tiêu chuẩn PIC/s và Japan-GMP, hai mã IMP và PME đạt chứng nhận EU-GMP cho 2 dây chuyền sản xuất.
Theo đó, kết quả kinh doanh của các mã cổ phiếu ngành dược trong 9 tháng của năm 2019 có sự chia tách lớn, tại nhóm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cao, như DBD, PME, DVN, MKP có lợi nhuận sau thuế giảm; trong đó mã DBD có doanh thu thuần giảm xấp xỉ 15%/năm. Đây là kết quả của sự canh tranh mạnh mẽ trong kênh phân phối tại bệnh viện, đặc biệt là trong nhóm thuốc thuộc danh mục đấu thầu khi có sự góp mặt hầu hết các công ty dược phẩm trong nước tham gia.
(Nguồn:SSI)
Nhiều động lực cho tăng trưởng
Dự báo xu hướng tăng trưởng của ngành trong năm 2020, bà Phạm Huyền Trang, Trưởng phòng phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán SSI chỉ ra nhiều yếu tố tiềm năng cho sự tăng trưởng của ngành, như xu hướng dân số già hóa, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe tăng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế và tuổi thọ trung bình của người dân tăng.
Cụ thể, dự báo của Tổng cục Thống kê chỉ ra dân số của Việt Nam có độ tuổi từ 65 trở lên dự kiến đạt 7,4 triệu người và tăng gần 7,9%/tổng dân số vào năm 2020, sau đó tăng tiếp 18,1% đến năm 2049 và mức tăng này nhanh hơn nhiều so với con số 7,1% của năm 2014.
Ngoài ra, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết độ phủ của bảo hiểm y tế cho người dân đã tăng từ 60%/năm 2010 lên 90%/ năm 2019 và mục tiêu tỷ lệ 90,7% vào năm 2020. Thêm vào đó, dân số đô thị hóa của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, đạt khoảng 36,2 triệu người vào năm 2020 (tăng từ 33,6%/2015 lên 36,8%/2020) đồng thời mức thu nhập bình quân đầu người tiếp tục được cải thiện cộng thêm sự gia tăng số lượng người giàu thuộc tầng lớp trung lưu… là những động lực cho sự tăng trưởng của ngành dược trong thời gian tới.
Trước đó, dự báo từ Cục quản lý Dược Việt Nam ước tính tổng giá trị ngành sẽ đạt 7,7 tỷ USD trong năm 2021.
Ngoài ra, xu hướng mua bán – sáp nhập (M&A) trong ngành cũng mở ra tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp dược với sự tham gia đầu tư của khối ngoại. Cụ thể, trên thị trường chứng khoán, Công ty Chế tạo thuốc Taisho (Nhật Bản) đã tiến hành mua lại Công ty Dược Hậu Giang trong năm 2019 và DHG chính thức trở thành công ty con của Công ty này (hiện Taisho sở hữu 51% cổ phần của DHG).
Gần đây, DBD đã đề xuất nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% và lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 25% cổ phần mà không cần chào mua công khai.
Ngoài ra, các giao dịch M&A dự kiến cũng sẽ được thực hiện trong năm 2020, như Công ty KT Kimia Farma (Indonesia) cho biết họ đang xem xét việc mua lại chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm Việt Nam.
“Với tiềm năng mà thị trường Việt Nam hiện có, các công ty dược phẩm nước ngoài có xu hướng tiến hành M&A để tận dụng nguồn lực có sẵn để giảm chi phí và rút ngắn thời gian gia nhập vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi dự đoán sẽ có một số thỏa thuận mua lại trong vài năm tới khi Chính phủ có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty dược phẩm trong nước,” bà Trang chia sẻ.
(Nguồn:SSI)
Nguồn: Vietnam+
[/et_pb_text][/et_pb_column][/et_pb_row][/et_pb_section]