Ngành dược đang đối mặt với nhiều cơ hội, mà luôn đồng hành chính là thách thức, giới hạn về kỹ thuật, công nghệ, nghiên cứu… khiến doanh nghiệp dược Việt Nam đang “thất thủ” trên chính sân nhà. Nhu cầu cao và liên tục leo thang, trong khi đối tượng đáp ứng lượng cầu lớn ấy của nước ta lại chính là doanh nghiệp ngoại, khi mà sản xuất dược trong nước còn dưới mức tiềm năng, và nguồn cung đang phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu.

Ghi nhận, năm 2018 Việt Nam nhập khẩu thuốc 2,8 tỷ USD, tương ứng mức tăng 9,5%/năm cho giai đoạn 2011-2018, có đến hơn 50% tỷ trọng là nhập khẩu từ châu Âu (nhất là Pháp, Đức). Tỷ lệ nội địa cung ứng, hiện doanh nghiệp Việt Nam đang đáp ứng được khoảng 50% tân dược với khả năng công nghệ, R&D, sản xuất biệt dược vẫn còn hạn chế.

Song song, dược liệu trong nước cũng còn hạn hẹp với con số đông dược chỉ chiếm thị phần chưa đến 2%, ngược lại giá trị nhập khẩu từ nước ngoài lên đến 407 triệu USD, tăng 8,5% so với mức 375 triệu USD năm 2017, với gần 80% tỷ trọng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ. Chính điều này kéo theo đó là rủi ro luôn thường trực với những đơn vị sản xuất dược trong nước, biên lợi nhuận thất thường và thời gian gần đây liên tục giảm trước áp lực tỷ giá, biến động giá năng lượng…

Cổ phiếu trên thị trường theo đó cũng lèo tèo, thanh khoản kém, và sự rủi ro khiến nhà đầu tư thờ ơ. Đã từng có làn sóng tăng vào khoảng cuối năm 2017, song cũng chỉ là phút chào đón ngắn ngủi trước sự săn đuổi của dòng vốn ngoại, mà đằng sau đó chính là nguy cơ bị nuốt chửng.

Cần một sự đau đáu

Sự quan tâm về chính sách, ý tưởng thực sự rất đẹp, thể hiện mong muốn người Việt Nam chúng ta hướng đến một đất nước mà nơi đó cuộc sống vui vẻ, khoẻ, đẹp đẽ… Song, hai vấn đề nổi bật nhất đằng sau ngành dược chính là:

(1) Với một nền kinh tế phát triển như Việt Nam và với sự quan tâm của con người thì chi tiêu về y tế là tương đương các nước khác, thực tế sự quan tâm này so với tốc độ phát triển hiện nay của nước ta là khá cao. Tuy nhiên, ứng dụng y tế ở Việt Nam khá lúng túng, mức độ đại trà quá đông thì chính sách khó mà thiết thực. Việt Nam là kinh tế thị trường, lẽ ra sản xuất phân phối dược phải do thị trường. Tuy nhiên, ngành dược nước ta phía sau đó là những điều kiện về một nhóm hàng hoá công, hàm ý vấn đề cần giải quyết là mức can thiệp của Nhà nước như thế nào cho khéo?

Chúng ta tập trung bảo hộ (nhằm hạn chế sự thất thủ của doanh nghiệp trong nước, cũng như hạn chế sự cạnh tranh và tràn lan hàng hoá kém chất lượng từ Trung Quốc), ngược lại cơ quan chức năng cũng phải thoả đáng “tương tư” có phải đang ưu ái quá mức ngành dược, trong bối cảnh ngành nào cũng cho mình là mũi nhọn và mong muốn được ưu ái.

(2) Một vấn đề khác theo ông Thành chính là sở hữu trí tuệ và chuyển giao công ngh, được biết một loại thuốc mới trước khi đến tay người tiêu dùng phải mất khoảng 12 năm để ra thị trường, bao gồm 8-10 năm nghiên cứu, và phải tốn 2-4 năm để thẩm định… Với khoảng thời gian dài đó, trong khi nhu cầu lại càng tăng, đây thực sự là bài toán không đễ để giải!

Trên góc nhìn đầu tư, ông Nguyễn Đăng Thiện – đại diện Chứng khoán MB (MBS) bổ sung, chính sự “ưu ái” trên khiến cổ phiếu ngành dược chưa thực sự hấp dẫn, thanh khoản kém. Muốn bứt phá và bền vững, cổ phiếu ngành dược cần một cuộc chơi thực sự, tức phải có thoái vốn.

Hiện nay, việc đầu tư vào nhóm này chỉ dừng lại ở góc độ đầu tư vào lãnh đạo, như Dược Hậu Giang (DHG), Imexpharm (IMP), Traphaco (TRA)… Tuy nhiên, thời thế hiện nay đang có sự thay đổi lớn, mà thẳng thắn nhìn nhận chính là sự “xâu xé” của nhóm nhà đầu tư lớn. Minh chứng, Dược Hậu Giang từng là đơn vị đứng đầu ngành đang đối mặt với sự săn đuổi của Taisho, trong khi nếu có yếu tố ngoại chi phối đơn vị này sẽ không được quyền phân phối, quý đầu năm 2019 lợi nhuận Công ty cũng sụt giảm do phải ngừng cung cấp MSD và Eugica.

Nguồn: Tri thức Trẻ