Dược ơi! Làm bạn Marketing nhé!
Nếu ví Marketing là một chàng trai đào hoa được nhiều cô gái để ý thì Dược chính là nét đẹp hiếm có và đang bắt đầu được tất cả mọi người chú ý. “WE DON’T TALK ANYMORE” – sự kết hợp của Marketing với dược là HOÀN HẢO.
Về bản chất Marketing Dược là vẫn sự kết hợp giữa kiến thức marketing với kiến thức về lĩnh vực dược phẩm để lên được một chiến lược marketing phù hợp nhất. Tuy nhiên, nguyên tắc marketing dược là thuốc phải được bán đúng đối tượng, đúng loại, đúng giá, đúng nơi cần.
Một so sánh đơn giản: Nếu với FMCG (Fast Moving Consumer Goods – Nhóm hàng tiêu dùng nhanh) – một ngành sử dụng Marketing phổ biến hơn, người tiêu dùng quyết định phần lớn việc mua hàng thì với ngành Dược, Bác sĩ và Dược sĩ sẽ quyết định phần lớn việc mua hàng.
Ngành Dược phức tạp hơn FMCG do có nhiều đối tượng tiếp cận với đặc điểm, trình độ và nhu cầu khác nhau; đòi hỏi có những hình thức marketing khéo léo, tinh tế nhưng lại đầy khoa học. Vậy thì những hình thức đó bao gồm?
- Marketing cảm xúc
Là một ngành dịch vụ cung cấp sản phẩm đặc biệt khi dùng để chữa bệnh và chịu sự quản lý chặt chẽ từ nhiều bên, giấy tờ phức tạp, không được quảng cáo tràn lan và điều quan trọng nhất mà Dược phẩm cần xây dựng là sự an toàn. Nhưng trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay nếu quảng cáo nào cũng nói rằng mình an toàn và “chữa được bệnh” (functional – quảng cáo lý tính) thì không thể chạm đến nhiều đối tượng nhất như mong muốn. Bởi hiện tại Marketing cảm xúc (Emotion Marketing) đang là xu hướng dẫn đầu trong phần lớn các ngành.
Điển hình có thể kể đến chiến dịch “Hair For Hope” do Leo Burnett Bangkok thực hiện. Họ phát đi thông điệp của một cuộc triển lãm, nơi các tác phẩm điêu khắc bằng tóc, được tạo ra từ những sợi tóc bị mất – hậu quả của các liệu pháp trị liệu hóa học, đã được bán và số tiền thu được được dùng để tài trợ thêm cho việc điều trị ung thư. Leo Burnett đã sử dụng PR marketing khéo léo: Không nhắc đến việc bệnh viện mình có “những vị thuốc” “chuẩn quốc tế” hay “chuyên gia hàng đầu trong máy móc thiết bị” mà tại đây, “chúng tôi hiểu khó khăn bệnh nhân, đồng cảm với bệnh nhân”.
Thấu hiểu khách hàng, để tâm tư làm cầu nối niềm tin về sự an toàn là cách mà nhiều bệnh viện hay các hãng dược phẩm hiện nay chọn lựa để thúc đẩy hành động từ khách hàng.
- Xu hướng chuyển đổi, tận dụng Marketing triệt để
Cuộc chiến trong ngành bán lẻ dược phẩm hiện nay đã chuyển biến mạnh mẽ theo chiều hướng có lợi cho mô hình chuỗi nhà thuốc hiện đại, chuyên nghiệp. VD: Eco, Phano, Pharmacity, Phúc An Khang, … Họ đầu tư rất nhiều vào hình ảnh thương hiệu và xây dựng một dịch vụ chuẩn mực, hiện đại. Bên cạnh đó còn nghiên cứu nhu cầu khách hàng và phát triển hướng đi mới: vừa chăm sóc sức khỏe vừa kết hợp với làm đẹp (chuỗi nhà thuốc Vistar); đặt tại các địa điểm gần bệnh viện lớn (chuỗi Eco Pharmacy); mở rộng bán thuốc online (chuỗi Pharmacity) …
Trước xu hướng người tiêu dùng ngày càng trách nhiệm hơn với sức khỏe bản thân và muốn mua đúng thuốc ở nơi uy tín thì việc vận dụng Marketing nhiều hơn để xây dựng thương hiệu cho chuỗi nhà thuốc ở xu hướng chuyển đổi này là một lợi thế.
- Chiến lược về giá hấp dẫn với khách hàng
Marketing Dược nêu tên 3 đối tượng mục tiêu điển hình là Bác sĩ – nhân viên y tế, Các nhà bán lẻ và Người tiêu dùng. Trong đó, Bác sĩ – nhân viên y tế cũng như các bệnh viện là những đối tượng được chú trọng hơn cả. Do vậy, hãng nào có chiến lược về giá, chương trình ưu đãi hấp dẫn hơn sẽ có lợi thế hơn trong việc đưa sản phẩm đến với khách hàng.
Như vậy sự ra đời của ngày càng nhiều công ty dược phẩm hiện nay khiến cho sự cạnh tranh không ngừng tăng lên và đồng thời với nó là sự gắn bó ngày một khăng khít của Marketing và Dược! Bạn nghĩ sao về những xu hướng cập nhật này của Marketing Dược? Hãy đưa ra quan điểm để thảo luận với chúng mình nhé!