Chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ được đầu tư mạnh trong năm 2019. Chuỗi này cũng là con át chủ bài của FPT Retail trong vài năm tới.

Long Châu có lợi thế gì?

Thời điểm Long Châu về với FPT Retail mới chỉ có 5 cửa hàng, nhưng với tham vọng phát triển nhanh chuỗi bán lẻ thuốc, FPT Retail đã mở lên 10 cửa hàng. Theo kế hoạch năm 2019, Long Châu sẽ phát triển 70 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc.

Trong kế hoạch phát triển chuỗi Long Châu, FTP Retail cũng dự kiến đưa tốc độ mở mới cửa hàng thuốc tương đương chuỗi bán lẻ điện thoại, với mức trung bình 100 cửa hàng/năm và đặt mục tiêu đến 2022 sở hữu 400 cửa hàng thuốc Long Châu.

Cũng theo FPT Retail, Long Châu dự báo sẽ lỗ khoảng 10 -15 tỉ đồng trong năm 2019 , khoản lỗ này đến từ việc đầu tư vào kho thuốc và khối hỗ trợ (back office). Nhưng Công ty tự tin rằng chỉ trong 3-4 năm nữa doanh thu của Long Châu sẽ chiếm 40% tổng doanh thu của FPT Retail, đạt khoảng 10.000 tỉ đồng, chiếm 30% thị phần kênh bán dược phẩm.

Lý do FPT Retail tự tin vào hệ thống bán lẻ Long Châu bởi chuỗi bán lẻ này đang có doanh thu trung bình mỗi tháng cao vượt trội so với các chuỗi khác trên thị trường. Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail (HoSE: FRT), từng chia sẻ rằng bình quân theo tháng, mỗi cửa hàng thuốc Long Châu đạt doanh thu 136.000 USD trong khi chuỗi Pharmacity là 11.000 USD, Phano là 18.000 USD, Eco là 25.000 USD và An Khang là 32.000 USD.

Theo con số FPT Retail đưa ra, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu cao hơn nhiều so với các hệ thống nhà thuốc lớn trong ngành. Có lẽ đây là lý do FPT Retail chọn nhà thuốc Long Châu khi đầu tư vào lĩnh vực dược. FPT Retail cũng đưa ra số liệu quy mô ngành dược khoảng 5 tỉ USD/năm, gần bằng lĩnh vực điện thoại là 5,8 tỉ USD, và cao hơn điện máy đạt 3,7 tỉ USD.

Trong khi đó, mức tăng trưởng ngành dược tại Việt Nam hiện nay khoảng 13%/năm, trong khi chi phí chi cho dược phẩm ở Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực, Thái Lan đã lên 46 USD/năm, Singapore 142 USD/năm, Malaysia 66 USD/năm.

So về doanh thu, Long Châu đang có một điểm mạnh hơn với các nhà thuốc khác là thuốc kê toa. Lượng thuốc kê toa của nhà thuốc này cao hơn gấp 6 – 7 lần các nhà thuốc bình thường và giá của Long Châu rẻ hơn thị trường khoảng 20%. Trong đó, 60% doanh thu của Long Châu đến từ tân dược, còn lại từ mỹ phẩm, trang thiết bị y tế hoặc đến từ thực phẩm chức năng. Các nhóm hàng này mang lại lợi nhuận cao hơn thuốc.

Bà Điệp cũng khẳng định, kênh nhà thuốc hiện nay vẫn còn dư địa phát triển. Các chuỗi nhà thuốc đang phụ thuộc vào 3 nhánh chính là kênh nhà thuốc, kênh phòng mạch và kênh bệnh viện. Hiện kênh bệnh viện đang chiếm 70% miếng bánh thị phần, và FPT Retail đang lên kế hoạch tiếp cận kênh bệnh viện và phòng mạch.

Ở kênh nhà thuốc và quầy thuốc, vốn chiếm 30% doanh số bán lẻ dược phẩm (tương đương 1,6 tỉ USD), Long Châu đang cạnh tranh mạnh mẽ và có sự tăng trưởng đáng kể với chiến lược giá rẻ hơn các nhà thuốc tư nhân.

Thị trường bán lẻ dược còn nhiều tiềm năng

Thị trường bán lẻ dược phẩm còn tiềm năng lớn so với ngành điện tử. Theo ước lượng của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), biên lợi nhuận của Long Châu hiện vào khoảng 2%-3%, và biên lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng lên khi Công ty đạt được quy mô lớn hơn.

Biên lợi nhuận thuần của các chuỗi nhà thuốc trên thế giới rơi vào khoảng từ 3%-4%. Tới năm 2021, nếu có thể đạt được quy mô gần 400 cửa hàng, chuỗi Long Châu sẽ đạt khoảng 2.100 tỉ đồng đến 3.100 tỉ đồng doanh thu và 60 – 90 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, chiếm tương ứng 25%-30% tỉ trọng doanh thu và khoảng 10% tỉ trọng lợi nhuận của FPT Retail.

Dù vậy, Long Châu cũng có thể đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, nhà thuốc đơn lẻ vẫn đang áp đảo tại Việt Nam, thể hiện qua mật độ nhà thuốc/người dân thuộc top cao nhất trên thế giới với 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc trên cả nước. Long Châu muốn “phình to” nhanh thì phải đối đầu trực tiếp và dần loại bỏ những hệ thống đơn lẻ này. Các chuỗi nhà thuốc như Mỹ Châu hay Phano đã xuất hiện từ 10 năm trước, đến nay vẫn mờ nhạt.

Ấn Độ, một trong những đất nước có tốc độ phát triển ngành dược nhanh trên thế giới, nhưng nhà thuốc nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 86% doanh số nội địa nhờ lợi thế len lỏi ở khắp các ngóc ngách. Vấn đề này cũng tương tự tại Việt Nam, đây là một bài toán khó cho các hệ thống nhà thuốc như Long Châu.

Có lẽ, Thế Giới Di Động đã lo ngại về thị trường dược nên đã thay đổi chiến lược phát triển chuỗi Phúc An Khang. Trước đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG dự tính sẽ thâu tóm 51% vốn tại hệ thống nhà thuốc này. Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu thị trường, Thế Giới Di Động quyết định chỉ đầu tư dưới 40% vốn.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG, chia sẻ trong buôi gặp nhà đầu tư “Ngành dược có tiểm năng nhưng rất khó ăn”.

Nguồn :Brand Việt Nam