Theo The Economist, nhân khẩu học tại khu vực châu Á đang chuyển đổi với tốc độ chóng mặt và Việt Nam nằm trong số đó. Nhóm người trên 60 tuổi hiện chiếm khoảng 12% dân số nhưng sẽ tăng lên 21% vào năm 2040. Việt Nam có hơn 5,6 triệu người cao tuổi và đây là một thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp dược, nhất là khi tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng.
Khác với thế hệ ông bà trước đây, người lớn tuổi hiện nay không tự giam mình tách biệt với thế giới xung quanh mà vẫn luôn cập nhật về tình hình xã hội, các kiến thức mới, lối sống mới. Để có thể gần gũi hơn với con cháu, nhiều cụ ông cụ bà còn học thêm cả internet, sử dụng điện thoại di động vì từ chính những kiến thức này, người lớn tuổi không cảm thấy bị lạc hậu hay lỗi thời do đó có thể hòa đồng cùng cháu nội cháu ngoại.
Theo số liệu của Med Help Alert, 66% mục đích sử dụng internet của người lớn tuổi để tìm kiếm thông tin về y dược. Điều đó thấy được mối quan tâm của người cao tuổi về sức khỏe của mình cũng như các sản phẩm giúp cải thiện sức khỏe là rất cao. Khác với các thị trường thực phẩm hay dịch vụ, dược phẩm dành cho người cao tuổi phát triển rất nhanh và mạnh do nhu cầu sử dụng thuốc và các thực phẩm chức năng của người cao tuổi rất lớn và ngày càng tăng lên
Người lớn tuổi thường rất thận trong trong việc ra quyết định mua sắm, một phần do ngân sách chi tiêu hạn hẹp, một phần do tâm lý muốn tìm hiểu và áp dụng những kinh nghiệm của mình hay do có nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi ra quyết định.
Người lớn tuổi thường rất trung thành với nhãn hiệu. Khi họ đã chọn thương hiệu nào thì có xu hướng chọn thương hiệu đó cho những lần mua tiếp theo. Điều này cũng được giải thích một phần bởi mức độ mạo hiểm thường giảm dần theo lứa tuổi. Nếu như ở tuổi thanh niên, họ sắn sàng thử những sản phẩm mới thì ở tuổi này người tiêu dùng thường phải cân nhắc rất nhiều yếu tố như giá cả, chất lượng, nguồn gốc, …trước khi thử. Chính tâm lý tiêu dùng này là một lợi thế đối với những nhãn hiệu đã chiếm được lòng tin của người lớn tuổi và cũng là bất lợi cho những thương hiệu chậm chân hơn.
Thông tin truyền miệng thường mang lại hiệu quả cao trong chiến lược tiếp thị tới người lớn tuổi. Do có nhiều thời gian rảnh rỗi và thường tham gia các hoạt động cộng đồng, người lớn tuổi luôn có một nhu cầu trao đổi thông tin rất lớn. Trong khi họ có thể không trò chuyện hòa hợp với con cháu do khác nhau về quan điểm sống thì họ lại rất thoải mái trao đổi với bạn hữu. Họ nói về những sản phẩm họ dùng, lý do tại sao họ dùng sản phẩm đó và thường là đưa ra nhiều lý lẽ để bảo vệ chính kiến tiêu dùng của mình. Chính vì vậy, thông tin truyền miệng thường rất hiệu quả khi thuyết phục người tiêu dùng lớn tuổi dùng thử sản phẩm mới.
Thông điệp quảng cáo hướng tới các khách hàng lớn tuổi cũng đang có xu hướng chuyển đổi từ thông tin về lợi ích thực dụng của sản phẩm sang lợi ích tâm lý có được khi tiêu dùng sản phẩm đó (Từ “functional benefits” sang “Emotional Benefits”). Các thông điệp cũng nên có tiết tấu chậm và nhẹ nhàng để khán giả lớn tuổi có đủ thời gian cảm nhận.

Nguồn: ccna-ccnv.ca
Kết
Để có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ, các doanh nghiệp cần hiểu rõ nhu cầu của người cao tuổi. Ở độ tuổi này, họ không quan tâm về giá, không mua sắm theo phong trào mà đòi hỏi sản phẩm phải được nghiên cứu kỹ, có chất lượng và thật sự tốt cho sức khỏe, được sự chứng nhận của các tổ chức y tế, chất lượng dịch vụ phải thỏa mãn được cả những người già khó tính nhất.